Lăng Cha Cả Sài Gòn Xưa

Cha Cả chính là đức giám mục người Pháp được gọi tên tiếng Việt là Bá Đa Lộc, rất được tôn kính hồi thế kỷ 19, là người đã giúp Nguyễn Ánh giành được giang san để trở thành vua Gia Long lập ra triều Nguyễn.

Năm 1777, Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi và thoát ra được đảo Thổ Chu và gặp Bá Đa Lộc tại đây. Khi Nguyễn Ánh thất thế trước quân Tây Sơn, Bá Đa Lộc đã nhiều lần giúp đỡ Nguyễn Ánh, trong đó có việc tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Việt Nam để mua vũ khí và thu nạp binh lính Tây phương theo phò giúp Nguyễn Ánh thống nhất được đất nước

Trong cuộc vây thành Qui Nhơn đánh quân Tây Sơn năm 1799, Giám mục Bá Đa Lộc mất. Nguyễn Vương phong ông là Thái tử Thái phó Bi-nhu Quận công và cho xây mộ phần ở Tân Sơn Nhất, tỉnh Gia Định, được gọi là lăng Cha Cả có diện tích 2000m2. Ban đầu Lăng Cha Cả chỉ là khu mộ, sau đó mới xây thêm khu nhà mái ngói:

Kết cấu lăng gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có tấm bình phong giống như phong cách thời nhà Nguyễn

Lăng được xây trong vòng 1 tháng, thời gian đó thi hài của đức cha được chuyển về quàn tại dinh Tân Xá, hiện nay nằm trong khuôn viên tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (góc Nguyễn Đình Chiểu – Trần Quốc Thảo ngày nay), trở thành ngôi nhà xưa nhất được bảo tồn gần như nguyên vẹn đã tồn tại trên 200 năm.

2 giờ sáng ngày 16/12/1799, một đám rước trọng thể theo nghi thức công giáo thi hài đức cha từ dinh Tân Xá về nhập lăng. Chúa Nguyễn Phúc Ánh từ Qui Nhơn cũng đã vào để tham dự lễ an táng. Như vậy, đức giám mục Bá Đa Lộc đã yên nghỉ tại đây gần 2 thế kỷ. Năm 1980, lăng Cha Cả được lệnh giải tỏa. Công cuộc cải táng kéo dài đến năm 1983 mới hoàn tất. Những xương cốt của đức cha và những người khác chôn tại đây được bàn giao cho tòa lãnh sự Pháp.

Chuyện về lăng mộ giám mục Bá Đa Lộc cũng có nhiều thông tin khác biệt. Có người cho rằng khi khai quật không thấy xương cốt mà chỉ có cây Thánh giá bằng vàng tây lớn mà giám mục đã từng đeo khi xưa, chiếc gậy vàng biểu tượng của chức giám mục và những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.

Điều này phù hợp với một thông tin cho rằng, Nguyễn Ánh sợ bị quật mộ nên đã bí mật cho chôn nơi khác. Tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh có nhắc đến việc này: “Làng Ngọc Hội (nay thuộc xã Vĩnh Ngọc) cách thành phố Nha Trang 3 km ở phía trước mộ có một cái miếu nhỏ hai bên khắc dòng chữ “Khắc cốt báo thâm ân”. Ở giữa đề “Bá Đa Lộc chi mộ”, cũng bằng chữ Hán, phía sau cái miếu này có khắc cây thánh giá”.

Cũng từ thông tin này, ngày 13/3/1925 công sứ Pháp đã cho khai quật và tìm thấy dưới huyệt có một ít xương và răng. Như vậy khả năng Lăng Cha Cả ở Sài Gòn chỉ là mộ gió nhằm ngăn ngừa tình huống xấu có thể xảy ra. Lăng Cha Cả không còn tồn tại nhưng địa danh Lăng Cha Cả vẫn còn lưu truyền. Hiện vòng xoay Lăng Cha Cả ngày đêm đón nhận hàng ngàn lượt xe các loại ngang qua

Vào những năm trước 1975, nếu đi từ ngã tư Phú Nhuận đến ngã tư Bảy Hiền thì thể nào cũng đi ngang qua Lăng Cha Cả. Thời bấy giờ Lăng Cha Cả nằm trên đường Võ Tánh (nay đổi thành Hoàng Văn Thụ) gần nơi giao với đường Trương Minh Ký (nay đổi thành đường Lê Văn Sĩ).

Đây là một trong những nút giao thông quan trọng nhất Sài Gòn, cửa ngõ phía Bắc của của thành phố, nơi gặp nhau của những con đường Hoàng Văn Thụ giao, Công Hòa, Trần Quốc Hoàn và Lê Văn Sĩ .

Internet

Đặt mua chà bông Bắc không đường ăn kiêng:

            ruốc thịt heo facebook

Total Page Visits: 642 - Today Page Visits: 1
CALL
Contact Me on Zalo