Chánh Niệm là gì?

Chánh Niệm là gì?

Phần lớn các phương pháp thiền là thiền định (samatha bhavana): tập trung tâm trên một đề mục tục đế (pannati) cố định được chọn trước (cụ thể như nhìn ngọn nến, hoặc trừu tượng như niệm chú/niệm Phật) giúp cho tâm được tạm thời an lạc và có thể đạt tới nhiều tầng thiền cao. Chánh niệm, ngược lại, có tính cách linh động để ý tới chân đế  (paramattha dhamma) rõ ràng nhứt mà không lựa chọn đối tượng. Theo Vi diệu pháp (abhidhamma), chân đế là bản chất/hiện tượng tự nhiên của mọi sự mọi vật mà tâm trực tiếp thực nghiệm, trước khi diễn tả/giải thích hiện tượng này (dựa trên kinh nghiệm đã qua).  Chánh Niệm có đặc tính chú tâm đến những cảm nghiệm đang xẩy ra trong hiện tại, một cách không phê phán hoặc so sánh, để thấy nó thật sự ra sao. Chánh Niệm đi đôi với sự kiên trì (atapa) và sáng suốt (sampajana) để chế ngự tham ưu (abhijjadomanassa). Chánh niệm không bám víu đến cái mình thích hay tránh né cái mình không thích mà kính trọng mọi đối tượng ngang nhau. Vì vậy, trong thực tập Chánh Niệm (Minh Sát, vipassana bhavana) tâm ít bị xao động bởi những kích thích. Chánh Niệm làm tan biến những tâm sở bất thiện (akusala citta) như ham muốn, lo sợ, giận dữ v.v… và nuôi dưỡng những tâm sở thiện (kusala citta, như sự rộng lượng, tâm từ, tâm đạo đức v.v….)

Chánh Niệm được xây dựng trên bốn nền tảng gọi là bốn lãnh vực chánh niệm (satipathana, Tứ Niệm Xứ, 4NX). Bốn lãnh vực này là: thân, thọ, tâm và pháp (đối tượng tâm/hiện tượng tự nhiên). Thân (kaya, NX1) bao gồm hơi thở, tư thế, động tác và cảm giác trong cơ thể, thuộc về tứ đại: đất (patthavi dhatu: cứng/mềm, nặng/nhẹ, nhám/láng-trơn…), nước (apo dhatu: lõng hay gắn bó), lửa (tejo dhatu: nóng hoặc lạnh) và gió (vayo dhatu: chuyển động/run, căng thẵng, áp suất). Thọ (vedana, NX2, hay bị lầm lẫn với cảm giác hay cảm xúc) chỉ gồm cảm nghiệm dễ chịu (lạc thọ, sukhavedana), khó chịu (khổ thọ, dukkhavedana) hoặc trung tính (xả thọ, adukkham-asukhāvedana=upekkhavedana). Tâm (citta) gồm ý nghĩ, cảm xúc và ý thức (cái “biết”). Niệm Xứ chót là các pháp (dhammas) gồm nhiều đề tài khác mà trong cương vị của khoá học, chúng ta nói đến các trở ngại (triền cái) và các hiện tương tự nhiên (trong lục trần) thường là thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc giác.

Chánh Niệm chỉ để ý tới thực tại (chân đế, paramattha dhamma) mà không quan tâm đến hình thức và quan niệm (tục đế, pannati). Ví dụ như “lưng tôi đau” là một quan niệm (tục đế) mà Chánh Niệm chỉ nhận thức một cách trực tiếp là cứng/căng/nóng v.v… (chân đế thân, NX1) hoặc chỉ là “sự khó chịu” (chân đế thọ, NX2) mà không có cái “tôi “ trong đó. Hoặc lúc niệm Phật, nếu chánh niệm cảm giác động tác của miệng (thân, NX1), biết cảm nghiệm dễ chịu/ lạc (thọ, NX2), biết không có sân hận (tâm, NX3), biết đang nghe (pháp, NX4) và biết các hiện tượng này thay đổi ra sao là đang thực hành Tứ Niệm Xứ  (Chánh Niệm để có tuệ giác). Còn nếu chỉ niệm để cầu mong được lên cõi lành, hoặc hình dung Đức Phật trước mặt mình thì không phải là Chánh Niệm*, tuy nó có thể là Chánh Định, đem đến định tâm và sự an lạc. (*Hiểu theo phương diện Vi Diệu Pháp/Abhidhamma, 40 để mục thiền định). Chánh niệm cho ta thấy thực chất của mọi hiện tượng (vô thường/anicca, khổ/dukkha, và vô ngã/anatta). Nó giúp ta hành động do sự chọn lựa một cách sáng suốt (có tuệ giác) thay vì phản ứng trong vô minh (si), do đó cuộc sống ta trở nên bớt căng thẳng và thêm an lạc.
Chánh Niệm không những có thể được thực tập một cách chánh thức bằng cách thiền tọa hoặc thiền hành, mà cũng được áp dụng không chánh thức trong mọi hoạt động trong ngày.

Thực tập chánh niệm.

Trau dồi thiện tâm (Giới luật/sila): Như trồng cây phải xới đất và bón phân, người thực tập Chánh Niệm cũng cần chuẩn bị tâm bằng cách giữ ngủ giới: tránh sát sanh, tham lam, tà dâm, dối trá và say sưa rượu chè. Nếu lỡ phạm giới thì ghi nhận lỗi lầm, cố gắng hết sức sẽ không tiếp tục tạo nghiệp xấu. Nên vui vẻ chấp nhận lỗi và biết mình thấy được khuyết điểm và cố gắng tiến bộ trong hỷ xã, thay vì tự trách móc trong sân si. Mặc dầu không nên mong đợi kết quả, nếu thấy không tiến bộ thì bạn nên suy xét xem mình có giữ giới nghiêm chỉnh hay không.

Thái độ: Bạn nên có thái độ thích hợp (right attitude/wise reflection: yoniso manasikara) khi hành thiền: nên thư thả, không có ý mong cầu điều gì sẽ xẩy ra, tôn trọng mọi đối tượng chánh niệm ngang nhau, dù chúng là dễ chịu (lac thọ) hay khó chịu (khổ thọ), tốt hay xấu. Hảy bỏ đi mọi ý nghĩ về quá khứ hay tương lai mà chỉ quan tâm đến hiện tại. Nếu thật cần nhớ tới quá khứ thì ý thức là đang nhớ, hoặc cần hướng tâm về tương lai thì biết rõ là đang tính toán, xong rồi thì không tiếp tục suy nghĩ về quá khứ và tương lai nửa. Sự cố gắng trong hành thiền là trì chí một cách thoải mái, một sự tò mò thích thú liên tục thay vì cố gắng thái quá hay căng thẳng.

Thiền tọa: Tìm một chổ tương đối yên tịnh. Bạn có thể ngồi xếp bằng hoặc ngồi trên ghế, lưng cho thẳng nhưng không cứng ngắc. Mắt nhắm thư thả. Bắt đầu bằng cách để ý đến tư thế của bạn: lưng thẳng đứng, áp suất ở mông (mềm hay cứng, ấm hay lạnh), hoặc cảm giác ở bàn tay. Sau đó chú ý đến cảm giác của hơi thở tại vành mũi (ra/vào) hay bụng (phồng/xẹp): không để ý đến hình dáng của bụng hay khái niệm “hơi thở của tôi” (tục đế) mà chỉ biết đến sự chuyển động, căng/xẹp, rung động hay nóng /lạnh (chân đế). Xem hơi thở như nhà mình, một nơi nương tựa. Có thể niệm thầm/ghi nhận “phòng”,  “xẹp” nếu thấy nó giúp bạn giữ tâm trên đề mục, nhưng đừng để câu niệm lấn át/chi phối sự quan sát của đối tượng (vì niệm là tục đế). Bạn nhớ thở một cách bình thường. Nếu tiếng động làm bạn chú ý thì dùng nó làm đối tượng, cảm nhận sự rung động (chân đế) tại màn nhĩ  mà không tìm nghĩ về nguồn gốc của tiếng động này là còi xe v.v…, (tục đế). Nhớ không chống đối hoặc phê phán, sau đó trở về nhà mình (hơi thở). Nếu bạn lạc trong ý nghĩ, khi ý thức được thì chỉ ghi nhận là “suy nghĩ” mà không phê phán, xong từ tốn trở về nhà. Một cảm giác khó chịu như đau hay ngứa sẽ đến với bạn: hảy thư giãn, tò mò một cách khách quan, quan sát cảm giác này xem thực chất nó là cứng, nặng hay căng, nóng v.v… (chân đế) để thấy nó thật sự  (và thay đổi)  ra sao  thay vì “lưng tôi đau” hay “chân tôi ngứa” (tục đế).

Như vậy chánh niệm không đễ bất cứ điều gì chi phối mà trái lại dùng chúng làm đối tượng.

(Sưu tầm)

Total Page Visits: 963 - Today Page Visits: 1
CALL
Contact Me on Zalo